load
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI SIÊU THỊ GẠO NGON
Gọi đặt hàng:   094 2222 858
Ngôn ngữ Tiếng Anh

Tết đến xuân về nhớ bánh chưng Bà Thìn

Đăng lúc 30/01/2013 15:00 | Lượt xem 2700

Bánh chưng bà Thìn có từ năm 1948, bánh chưng được sử dụng suốt trong năm. Ai về thăm quê mà không mang theo mấy buộc bánh chưng làm quà. Chiếc bánh chưng chân chất, bình dị thanh nhã đã theo chân người đi tới khắp mọi miền quê. Bánh chưng bà Thìn có hương vị khác biệt khó lẫn với các loại bánh chưng khác. Bạn có thể mua bánh chưng ở bất kỳ chợ nhỏ nào nhưng phải tìm tận tới dốc cầu Yên Định mới đích thực là bánh chưng bà Thìn.

Tại sao bánh chưng Hải Hậu quê tôi đã ngon, bánh chưng bà Thìn còn ngon hơn? Cũng gạo, đỗ, nhân thịt, lá dong ấy song có lẽ bánh chưng bà Thìn được ưa chuộng bởi bí quyết nhà nghề. Tôi tới thăm gia đình cụ Thìn vào một tối mùa đông. Cụ Thìn đã về với người thiên cổ. Bà Khánh, người con dâu duy nhất của cụ, vợ liệt sĩ từ khi 37 tuổi hồ hởi đón tiếp tôi. Bà đẹp phúc hậu. Thái độ chân tình hiếu khách của chủ nhà đã cho tôi ấn tượng ban đầu về chiếc bánh chưng có tình có duyên đến thế! Bà tiết lộ với tôi: nhờ danh phong và nghề gia truyền của mẹ mà bà đã thay chồng nuôi năm người con khôn lớn thành đạt.

Bánh chưng ngon bắt đầu từ hạt gạo. Gạo làm bánh phải là thứ gạo nếp Bắc đặc sản vừa dẻo vừa thơm trồng trên chân đất cao cho hạt mẩy, chắc. Những hạt gạo trắng nõn nà căng đẫy như ong non được vo sạch tới nước trong rồi ngâm. Nước để vo và ngâm gạo cũng phải là thứ nước mưa tinh chất của trời. Các loại nước giếng khác làm gạo bị xám, mất đi cái thanh khiết của đồng quê cỏ nội ViệtNam. Gừng già, đậu xanh, thịt lợn và các gia vị đều phải chọn cho ngang tầm ngón nghề gia truyền sẽ làm lên linh hồn của bánh.

Đậu xanh để làm nhân bao giờ cũng nhiều và được chọn từ loại đậu trồng trên đất cát pha. Không hiểu sao đỗ trồng trên đất cát pha miền Hải Triều, Hải Thịnh lại vừa bở, vừa ngậy đến thế! Thịt ba chỉ tươi nóng cắt miếng to vuông vức ướp gia vị quay đến sém cạnh thơm lừng thêm một chút mặn mòi của biển. Hành Thái Bình củ to bóng bảy nhưng không thể thơm bằng hành Cồn quê tôi. Giống hành tía ấy mà phi lên thì không khỏi làm nức khách qua đường. Tôi mải mê ngắm bà Khánh ngồi gói bánh. Đôi bàn tay bà nhẹ nhàng đặt lá, cứ 1 lượt gạo là 1 lượt đỗ, hành, thịt, sau đó phủ lên lớp gạo thứ 2. Bà nói với tôi bánh muốn ngon bao giờ cũng bớt gạo gia thêm thịt đỗ. Chất lượng bánh, uy tín nhà nghề là hàng đầu chứ không phải chỉ nhìn cái lợi lỗ lãi trước mắt. Bàn tay bà khéo léo vun gạo, gấp lá rồi bẻ ra sau, dùng lạt buộc thật chặt. Ẩn chứa trong các thao tác vừa tỉ mỉ, vừa mềm mại điêu luyện ấy là lòng say nghề, là biết bao tình cảm mến yêu trân trọng đối với người tiêu dùng.

Sau cùng là khâu luộc bánh. Thời buổi hiện đại những bếp củi, bếp rơm thay dần bằng bếp than, bếp điện, bếp ga, tấm bánh chưng có lẽ vì thế mà kém đi nét đặc trưng của nó. Quanh năm gia đình cụ Thìn chỉ dùng củi để ninh bánh. Lửa củi vừa đượm lại gợi cho người ta cái cảm giác hương vị của tết nhất. Khi nước sôi cạn săm sắp bánh, thêm 1 ít nước lạnh rồi tiếp tục gầy. “Sao bà không thêm nước nóng cho bánh chóng chín?” Bà Khánh chưa vội trả lời tôi. Bà bóc 1 chiếc bánh. Chao ôi! cái màu xanh xanh trang nhã của lá dong vườn gói ghém lớp gạo trắng ngọc ngà, ấp ủ nhân đỗ xanh quyện trong vị đậm đà béo ngậy của thịt, mỡ, hành...

Bà cười tủm tỉm: Bánh còn nguyên hạt gạo mà nhừ tơi, tan thấm vào đầu lưỡi là bởi tiếp thêm nước lạnh. Chẳng cần theo dõi đồng hồ cứ tiếp 6 lần nước lạnh là có thể vớt bánh ra.

Những đêm đông, ghé vào quán cóc, huơ tay trên bếp lửa nồng, nâng niu chiếc bánh chưng gù nóng hôi hổi, ăn từng miếng bánh mới thấy cả đất trời thu vào trong cái hương vị ấy. Lại thấy náo nức reo vui vì đó là dấu hiệu của đời sống ấm no, con người tự tạo ra hạnh phúc. Lại càng thấy thêm yêu, thêm tự hào nền văn hoá cổ truyền độc đáo của dân tộc biết bao!

Hoa đào đã khoe sắc thắm. Tết này nhiều nhà cũng sẽ có nồi bánh chưng xanh nhưng nếu có dịp về Hải Hậu, về với những chiều vàng cánh sáo diều vi vút trên cánh đồng quê ngạt ngào hương lúa, về với những nền cát trắng lắng nghe sóng biển rì rào, những cánh buồm ra khơi trong ánh bình minh ngày hồng rực rỡ bạn nhớ ghé qua quán bánh chưng cụ Thìn, thưởng thức hương vị riêng biệt của đồng quê tôi để làm để cảm nhận món ăn, mà trong đó đã gói ghém cả một nền văn minh nông nghiệp lúa nước, mang ý nghĩa sâu xa để làm vật phẩm cúng tế tổ tiên, đất trời. Chắc hẳn miền đất Hải Hậu đầy nắng gió sẽ lưu luyến mãi bước chân người ra đi.

Sưu tầm - biên soạn: Kim Luyên

theo haihau.vn