load
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI SIÊU THỊ GẠO NGON
Gọi đặt hàng:   094 2222 858
Ngôn ngữ Tiếng Anh

Một số kinh nghiệm qua sản xuất vụ mùa năm 2013

Đăng lúc 18/10/2013 07:00 | Lượt xem 1

 

Một số địa phương mất mùa riêng, nguyên nhân do đâu?

Nửa tháng nay, bà con nông dân xã Gia Lạc, huyện Gia Viễn đang tập trung thu hoạch lúa mùa, thế nhưng lúa năm nay năng suất đạt thấp, nhiều hộ chỉ mượn người, đổi công để thu được hạt nào hay hạt đó. Bà Nguyễn Thị Tiến cho biết: Năm nay vụ mùa gieo cấy khá thuận lợi, cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt nhưng bị chuột phá hại nhiều quá nên nhiều hộ bị mất mùa riêng. Gia đình tôi cũng thực hiện các đợt đánh chuột như mọi năm nhưng chuột nhờn thuốc nên càng đánh càng thấy nhiều. Nếu như mọi năm hơn 1 sào ruộng ở khu Đồng Dẻo cho thu hoạch hơn 3 tạ thì năm nay được 50kg. Qua tìm hiểu thực tế, vụ mùa năm nay bà con nông dân xã Gia lạc bị chuột phá hại nhiều, nhiều diện tích chỉ cho năng suất từ 10-20kg/sào. Năng suất của xã Gia lạc (chỉ tính diện tích gieo cấy chuột không hoặc ít phá hại) ước đạt 30 tạ/ha.

Theo ghi nhận của chúng tôi, một số xã thuộc các huyện phía Nam tỉnh có năng suất lúa đạt thấp do bị sâu bệnh gây ra, nhất là các hộ gieo trồng các giống dễ nhiễm bệnh bạc lá, bệnh lù sọc đen. Đang thu hoạch lúa, bà Nguyễn Thị Lan, xóm 2, xã Khánh Thịnh (Yên Mô) cho biết: “Gia đình tôi cấy 6 sào ruộng chủ yếu bằng giống lúa chất lượng cao LT2. Đến nay, gia đình tôi đã thu hoạch xong nhưng năng suất lúa chỉ đạt 1 tạ/sào.” Nhiều bà con nông dân ở đây cho biết: có hộ năng suất còn thấp hơn, chỉ đạt khoảng 50-60kg/sào, hầu hết diện tích bị mất mùa là gieo trồng bằng các giống lúa chất lượng cao.

Vụ mùa năm 2013, toàn tỉnh gieo cấy trên 39.000 ha lúa, trong đó có trên 2.800 ha thực hiện bằng phương pháp gieo thẳng. Các địa phương trong tỉnh bố trí trà lúa, giống lúa theo hướng tăng trà mùa sớm, để giải phóng đất làm vụ đông với 22.987,3 ha ở trà mùa sớm, giống lúa thuần có 30.586,8 ha, chiếm 79,1% tổng diện tích gieo cấy. Theo đánh giá của ngành chuyên môn, nhiều diện tích lúa có năng suất thấp hơn những năm trước và một số nơi bị mất mùa riêng.

Theo ông Trần Đình Toàn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, một số địa phương trong tỉnh có năng suất lúa mùa đạt thấp do tác động của nhiều yếu tố cả về mặt khách quan lẫn chủ quan. Năm nay là năm bị ảnh hưởng nhiều của thời tiết và sâu bệnh. So với trung bình nhiều năm các đối tượng gây hại phát sinh sớm hơn; quy mô, mức độ gây hại của chuột, bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, sâu đục thân 2 chấm... cao hơn so với vụ trước. Đặc biệt, do ảnh hưởng của cơn bão số 5 và số 6 đúng thời điểm trà lúa mùa sớm đang trỗ bông và phơi màu, bộ lá đòng bị gió đánh táp, rách, trong khi 90% năng suất lúa phụ thuộc vào bộ lá đòng. Trên các giống nhiễm như Bắc thơm số 7, LT2 ở trà mùa sớm, bộ lá bị tổn thương cơ giới gặp thời tiết nắng nóng và độ ẩm cao sau bão đã tạo điều kiện cho một số loại sâu bệnh gây hại, nhất là bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn. Đây là loại bệnh do vi khuẩn gây ra, chỉ có tác dụng khi phun phòng, nếu đã nhiễm bệnh thì phun trừ ít có hiệu quả. Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân chăm sóc lúa không đúng kỹ thuật, bón phân không cân đối. Do đó, một số xã thuộc các huyện phía Nam của tỉnh cấy các giống lúa chất lượng cao LT2, bắc thơm số 7 ở trà mùa sớm thì hầu như năng suất đạt thấp.

Đối với các huyện phía Bắc của tỉnh ít bị tác động hơn của gió bão và sâu bệnh thì năm nay lại là năm chuột gây hại nặng trên diện rộng. Dự đoán trước được tình hình nên ở vụ mùa năm nay là năm đầu tiên UBND tỉnh ban hành kế hoạch diệt chuột và phát động toàn dân diệt chuột bảo vệ lúa. Tuy nhiên, các địa phương triển khai chưa quyết liệt, khi một loạt hợp đồng diệt chuột bị hủy bỏ thì các HTX lúng túng không biết cách thực hiện như thế nào. Điển hình như huyện Gia Viễn, theo đánh giá đây là huyện bị chuột gây hại nặng nhất và nằm ở tốp có năng suất thấp nhất tỉnh và cũng là năm có năng suất thấp nhất từ trước tới nay, ước đạt 47,6 tạ/ha. Số lượng chuột trên địa bàn huyện Gia Viễn tăng đột biến, nhất là những diện tích chân đê bị chuột phá hại nghiêm trọng với năng suất chỉ đạt vài chục kg/sào.

Một số kinh nghiệm rút ra

Cũng theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, bên cạnh những địa phương bị mất mùa riêng do thiên tai, sâu bệnh, chuột hại … thì có nhiều địa phương vẫn giành thắng lợi vụ mùa với năng suất khá cao. Điển hình như các xã thuộc huyện Kim Sơn; xã Khánh Trung, Khánh Cường (huyện Yên Khánh); xã Đức Long, Gia Tường (huyện Nho Quan…

Thông thường ở vụ mùa càng làm sớm càng tốt, tuy nhiên sản xuất nông nghiệp phụ thuộc vào thời tiết nên các địa phương cần bố trí cơ cấu các trà lúa phù hợp, cân đối, nếu một trà bị ảnh hưởng do thời tiết, sâu bệnh gây ra thì vẫn còn các trà lúa khác cho hiệu quả. Đối với cơ cấu giống lúa, cần lựa chọn giống lúa phù hợp cho từng vụ sản xuất, từng loại chân đất đảm bảo năng suất, chất lượng và khả năng kháng sâu bệnh cao đưa vào gieo cấy. Cùng với đó, bà con nông dân cũng cần rút kinh nghiệm, thực hiện nghiêm túc kỹ thuật gieo cấy, chăm sóc lúa, thực hiện bón phân cân đối.

Với các địa phương bị thiệt hại nặng do chuột phá hại, cần triển khai ngay việc học tập kinh nghiệm một số mô hình đánh chuột tại xã Gia Tường, Phú Long của huyện Nho Quan hay ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô... Nếu không triển khai ngay, vụ Đông xuân sắp tới chuột sẽ là tác nhân phá hại nặng và khó lường trước được hậu quả. Phải đồng loạt ra quân, diệt chuột tập trung, diệt gọn vùng, kết hợp các phương pháp khác nhau như: thủ công, thuốc, bả sinh học…

Qua vụ sản xuất vụ mùa năm nay, các ngành chức năng và các địa phương cần phải đánh giá một cách khách quan, thực tế về tình hình sản xuất vụ mùa năm 2013, phân tích, làm rõ nguyên nhân tại sao có địa phương bị mất mùa riêng và cũng có địa phương lại thắng lợi trong khi đồng đất như nhau và rút ra bài học kinh nghiệm để giành thắng lợi toàn diện trong những vụ sản xuất năm sau.

 

Giáng Hương

(st)