load
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI SIÊU THỊ GẠO NGON
Gọi đặt hàng:   094 2222 858
Ngôn ngữ Tiếng Anh

Siết doanh nghiệp xuất khẩu gạo

Đăng lúc 13/03/2013 07:00 | Lượt xem 1

Rút giấy phép DN yếu

Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL đã có kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan xem lại việc phân bổ số lượng DN xuất khẩu gạo. 

Ông Nguyễn Văn Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, cho biết là tỉnh có sản lượng lúa hàng hóa đứng thứ 3 toàn vùng ĐBSCL, nhưng số lượng DN trong tỉnh được cấp phép xuất khẩu gạo thời hạn 5 năm lần này chỉ có 6 đơn vị, con số quá ít không đáp ứng được năng lực của tỉnh. 

Hiện tại, Đồng Tháp còn 9 DN đóng trên địa bàn đã đầu tư hoàn chỉnh cơ sở xay xát, kho chứa, hệ thống sấy, máy lau bóng gạo… theo đúng quy định Nghị định 109/NĐ-CP của Chính phủ, nhưng chưa được cấp giấy phép xuất khẩu gạo.
 
Còn ông Huỳnh Thế Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho rằng việc cấp đầu mối cho 100 DN được xuất khẩu gạo lần này chỉ nên xem như định hướng. Trên thực tế cần tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng, DN nào có năng lực, am hiểu lĩnh vực lúa gạo, làm tốt… thì giữ lại; ai làm không tốt cần loại ngay mà không phải chờ hết hạn 5 năm.
 
Theo ông Năng, nên quy định mỗi DN phải xuất khẩu từ 10.000 tấn gạo/năm trở lên mới được tham gia, còn yếu hơn nên chuyển nghề khác hoặc chỉ là đối tác thu mua cung ứng nguyên liệu. Mặt khác, ngoài cơ sở vật chất, kho chứa, nhà máy xay xát… theo quy định, nên buộc DN xuất khẩu gạo phải xây dựng vùng lúa nguyên liệu từ 5.000ha trở lên để có trách nhiệm với nông dân.

Xuất khẩu gạo năm 2013 dự báo đạt 7,5-8 triệu tấn. Ảnh: H.LỢI  


Đồng tình các quan điểm trên, ông Lê Minh Hoan, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp, nói: “DN xuất khẩu gạo tham gia mô hình cánh đồng lớn, gắn với hợp tác xã và nông dân cùng xây dựng vùng lúa chất lượng cao, xây dựng thương hiệu gạo… là hướng đi cần thiết để phát triển lúa gạo bền vững. Lâu nay các DN chỉ mua đứt - bán đoạn thông qua thương lái thu gom nhiều loại gạo, nên chất lượng không đồng nhất. Tới đây, cần thay đổi cách làm căn cơ hơn”. 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đồng tình việc DN tham gia mô hình “cánh đồng lớn” và từ 1-2 năm nên xem lại năng lực của từng DN xuất khẩu, ai không đạt sẽ loại ra để bổ sung DN khác mạnh hơn.

Khuyến khích chuyển sang thị trường cao cấp

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong 2 tháng đầu năm 2013, các DN xuất được 580.000 tấn gạo, trị giá FOB 258 triệu USD, giá xuất bình quân 446USD/tấn. So với cùng kỳ năm ngoái tăng 5,45% về số lượng, nhưng giảm 8,2% về giá trị; giá xuất khẩu cũng giảm hơn 66USD/tấn.
 
Đến thời điểm này các DN đã ký hợp đồng xuất khẩu gạo được gần 2,9 triệu tấn, tăng 99,5% so cùng kỳ năm ngoái; trong đó hợp đồng thương mại chiếm 84,38%, hợp đồng tập trung 16,62%. Theo kế hoạch, quý I-2013 các DN sẽ xuất khẩu 1,3 triệu tấn gạo; quý II xuất 2,2 triệu tấn; tổng cộng xuất khẩu gạo 6 tháng đầu năm khoảng 3,5 triệu tấn.

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, dự báo năm 2013, nước ta có khả năng xuất khẩu 7,5-8 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, cái khó là xuất khẩu gạo năm nay chịu sức ép cạnh tranh quyết liệt từ nhiều nước như Thái Lan, Ấn Độ, Myanmar, Pakistan… 

Trong khi đó, những thị trường truyền thống như Indonesia và Philippines lại có xu hướng giảm nhập khẩu, hướng tới mục tiêu tự cung tự cấp lương thực. Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, lo ngại hợp đồng xuất khẩu hiện nay tuy nhiều nhưng chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Đây là thị trường tiềm năng nhưng khó đoán và tính rủi ro cao. 

Thí dụ, nếu thị trường gạo biến động Trung Quốc sẵn sàng đưa ra những rào cản kỹ thuật để hủy hợp đồng. Bên cạnh đó, lượng gạo Thái Lan tồn kho lớn khoảng 15-16 triệu tấn (gồm tồn kho vụ trước và thu hoạch lúa vụ này), vì vậy khả năng Thái Lan bán một lượng lớn gạo để giảm áp lực dự trữ, khi đó giá sẽ khó đoán. 

Theo dự báo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thương mại gạo thế giới năm 2013 giảm 4,87% so năm 2012, bởi nhu cầu yếu trong khi tồn kho nhập khẩu năm 2012 còn nhiều ở châu Phi, một số nước châu Á cũng giảm nhập khẩu.

Điều này cho thấy diễn biến thị trường xuất khẩu gạo năm nay rất khó lường, trong đó giá và chất lượng là 2 yếu tố xác định nhu cầu. Từ cơ sở trên, VFA chỉ cam kết tiêu thụ hết lúa hàng hóa cho nông dân ĐBSCL vụ đông xuân 2013, riêng vụ hè thu tới chưa đảm bảo bởi mọi việc vẫn theo diễn biến thị trường. 

Trước tình hình này, Bộ Công Thương khuyến khích việc xuất khẩu gạo cần chuyển sang thị trường cao cấp, gạo đặc sản, các loại gạo có giá trị gia tăng cao, gạo cung ứng vào siêu thị, trung tâm thương mại của các nước lớn trên thế giới. Ngoài việc giữ những thị trường truyền thống Philippines, Malaysia, Indonesia… cần tăng cường xuất sang thị trường Hồng Công, Đài Loan, Nhật Bản…

Theo Sài gòn đầu tư tài chính