load
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI SIÊU THỊ GẠO NGON
Gọi đặt hàng:   094 2222 858
Ngôn ngữ Tiếng Anh

Công ty cổ phần - giải pháp phát triển lúa gạo bền vững

Đăng lúc 05/04/2012 07:00 | Lượt xem 1

Đó là những câu hỏi đã được các chuyên gia ngành nông nghiệp Việt Nam đem ra mổ xẻ tại hội thảo: “Những giải pháp phát triển sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL” được tổ chức tại Đồng Tháp vào sáng 30-3.

25 tỉ đô la xuất khẩu gạo

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, trong những năm qua tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam liên tục tăng cao, cả về khối lượng lẫn giá trị. Cụ thể, trong vòng 6 năm trở lại đây, xuất khẩu gạo của Việt Nam đã đạt con số khá ẩn tượng, gần 34 triệu tấn, trị giá trên 14,1 tỉ đô la Mỹ.

Như vậy, từ khi tham gia xuất khẩu gạo cho đến nay (1989 - 3/2012), Việt Nam đã xuất khẩu trên 84,6 triệu tấn gạo, đạt trị giá trên 25 tỉ đô la Mỹ.

“Dù xuất khẩu gạo luôn tăng lên nhưng nó vẫn còn bộc lộ nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, các công trình phụ trợ phục vụ cho bảo quản, chế biến xuất khẩu gạo vẫn yếu và thiếu, vì vậy khả năng tạm trữ khi tình hình xuất khẩu gặp khó khăn vẫn chưa đáp ứng”- ông Biên khẳng định.

Chính điều này đã dẫn đến những bất cập khác, chẳng hạn là người nông dân trực tiếp sản xuất lúa phục vụ cho xuất khẩu gạo thường xuyên bị ép giá, rơi vào cảnh được mùa, mất giá mà các doanh nghiệp xuất khẩu đổ lỗi do tình hình xuất khẩu gặp khó khăn.

Theo báo cáo của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), vụ đông xuân này, chỉ riêng khu vực ĐBSCL đã có 1,6 triệu héc ta được xuống giống, dự kiến cho sản lượng khoảng 11 triệu tấn, tương đương 5,5 triệu tấn gạo.

Sau khi khấu trừ cho sử dụng nội địa, lượng gạo còn dư ra phục vụ cho xuất khẩu trên 3,5 triệu tấn, thu một lượng lớn ngoại tệ không nhỏ cho quốc gia. Thế nhưng, lợi nhuận người nông dân được hưởng không được bao nhiêu, thậm chí còn giảm dần qua các năm vì những lý do khác nhau.

Giáo sư- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tân Tạo - một chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp khẳng định: “Mặc dù sản lượng lúa ngày càng tăng, lượng gạo xuất khẩu đã vượt ngưỡng 7 triệu tấn/năm, nhưng lợi tức của người nông dân trồng lúa không tăng tương xứng, đời sống của nông dân còn nghèo nàn”.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, trong khi giá lúa không tăng được bao nhiêu thì giá vật tư nông nghiệp đã tăng rất nhanh kể từ năm 2001 đến nay. Cụ thể, giá phân bón đã tăng gấp 4 lần; thuốc bảo vệ thực vật tăng 2-3 lần.

“Chúng ta có thể thấy được sự nghèo nàn của người nông dân là mỗi khi đến vụ thu hoạch lúa, người nông dân nào cũng nôn nóng bán lúa cho nhanh để trang trải nợ nần, thương lái ép giá bao nhiêu cũng phải bán, ít có ai muốn “neo” (giữ lại - PV) lúa lại”- ông Võ Tòng Xuân nói.

Công ty cổ phần nông nghiệp- lựa chọn hoàn hảo?

Việc tìm ra một hướng đi để ngành lúa gạo phát triển ổn định từ sản xuất đến tiêu thụ là một đòi hỏi cấp thiết hơn bao giờ hết, chẳng những giúp tăng giá trị ngành hàng lúa gạo mà lợi tức của người nông dân thu được theo đó cũng tăng lên.

Theo Giáo sư- Tiến sĩ Võ Tòng Xuân, không cách nào khác để thực hiện được vấn đề này là phải thực hiện công ty cổ phần nông nghiệp.

“Muốn làm được điều này, chúng ta phải có một giải pháp đồng bộ, cả chỉ đạo lẫn thực hiện, phải có nông dân kiểu mới (nông dân được đào tạo tay nghề - PV), phải gắn kết sản xuất lúa gạo từ nguyên liệu đến thành phẩm, có thương hiệu mạnh đưa ra thị trường. Từ đó lợi tức được phân bổ lại cho các thành phần tham dự, trong đó, đảm bảo cho nông dân luôn có cơ hội tích lũy lợi tức, doanh nghiệp cũng bảo đảm mức thu nhập”- ông Xuân cho biết.

Theo giáo sư Võ Tòng Xuân, mô hình này sẽ giúp nông dân ngày càng gắn kết với nông nghiệp hơn vì họ cảm thấy mình được làm chủ. Doanh nghiệp thì không phải chịu áp lực về tài chính, đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, không có chuyện o ép giá nông dân…

Thực tế, trong quá trình tiến tới mô hình công ty cổ phần nông nghiệp, ngành nông nghiệp cũng đã áp dụng nhiều mô hình “tiếp cận” tương đối hiệu quả, chẳng hạn như mô hình hợp tác giữa nông dân của hợp tác xã nông nghiệp Mỹ Thành, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang với Công ty cổ phần ADC về sản xuất và tiêu thụ lúa gạo với thương hiệu gạo Tứ Quý hay mô hình liên kết giữa cụm nông dân tỉnh An Giang với Công ty Nhật Kitoku về sản xuất lúa Nhật và đã xuất khẩu thành công.

Theo nhiều chuyên gia tham dự hội nghị, những mô hình liên kết trên là tiền đề quan trọng giúp tiến tới thành lập và nhân rộng mô hình công ty cổ phần nông nghiệp theo từng khu vực rồi tiến dần đến toàn vùng ĐBSCL.

“Có nhiều cách làm nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, tiêu thụ lúa gạo của Việt Nam, nhưng công ty cổ phần nông nghiệp là một cách làm mới, thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo Việt Nam. Qua mô hình này, lúa hàng hóa làm ra sẽ có địa chỉ tiêu thụ, lợi tức của nông dân được tăng lên, doanh nghiệp cũng giàu lên, góp phần đưa ngành nông nghiệp phát triển bền vững”, ông Xuân nói.

Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến cuối tháng 3, 89 doanh nghiệp hội viên của VFA (được phân bổ chỉ tiêu) đã thu mua tạm trữ trên 500.000 tấn gạo trên tổng số 1 triệu tấn gạo tạm trữ từ ngày 15/3-30/4, chiếm trên 50% khối lượng. Như vậy, bình quân mỗi ngày có khoảng 33.000 tấn gạo được thu mua tạm trữ.

theo thesaigonntime.vn