load
CHÀO MỪNG QUÝ KHÁCH ĐẾN VỚI SIÊU THỊ GẠO NGON
Gọi đặt hàng:   094 2222 858
Ngôn ngữ Tiếng Anh

Sẽ giảm mạnh đầu mối XK gạo

Đăng lúc 18/07/2012 07:00 | Lượt xem 2

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện có 153 DN được Bộ Công thương cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Ngoài ra còn có 4 DN FDI được thực hiện xuất khẩu gạo theo giấy phép đầu tư đã được cấp. Như vậy, tổng cộng có 157 DN đang có trong tay giấy phép xuất khẩu gạo. Bà Dương Phương Thảo, Phó Vụ trưởng Vụ XNK (Bộ Công thương), cho hay, trong thời gian qua, hầu như không có thêm DN nào được cấp phép xuất khẩu gạo, mà chỉ có một số DN được chuyển giấy phép từ 1 năm sang 5 năm do đã đầu tư dây chuyền xay xát lúa 10 tấn/giờ, kho chứa 5.000 tấn lúa trở lên…


Nhiều DN sẽ bỏ cuộc chơi XK gạo vì không kịp xây kho

Con số 153 DN nội địa đã có trong tay giấy phép xuất khẩu gạo, bị một số chuyên gia lúa gạo cho là vẫn quá nhiều. Bởi xem lại danh sách này, có tới 34 DN chưa từng tham gia xuất khẩu gạo trực tiếp trong 3 năm qua. Trong đó, có nhiều DN vốn trước đây chỉ hoạt động trong các lĩnh vực rất xa lạ với xuất khẩu gạo như bất động sản, chứng khoán…, nhưng năm ngoái thấy gạo xuất khẩu mạnh, giá lúa gạo trong nước ở mức cao, nên đã đổ tiền bạc đầu tư cơ sở xay xát, kho chứa và xin giấy phép xuất khẩu gạo.

Đầu năm nay, xuất khẩu gạo gặp nhiều khó khăn, nhiều DN trong số này chỉ xuất khẩu lấy lệ chừng vài chục tấn rồi ngưng. Việc xuất khẩu lấy lệ này sẽ giúp cho những DN đó có thể “lách” được một quy định trong Nghị định 109 về thu hồi giấy chứng nhận là “Thương nhân không xuất khẩu gạo trong thời gian 12 tháng liên tục”. Nhưng kiểu xuất khẩu này rõ ràng không có đóng góp gì cho xuất khẩu gạo Việt Nam, không mang lại lợi ích cho người trồng lúa. Ngược lại có khi còn làm rối thị trường xuất khẩu gạo.

Mặt khác, theo quy định của Nghị định 109, một trong những điều kiện để DN được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo là phải có ít nhất 1 kho chứa lúa với tích lượng 5.000 tấn trở lên. 153 DN nội địa đã được cấp phép, phải có tổng cộng ít nhất lượng kho chứa 765.000 tấn (kho của DN hoặc kho đi thuê). Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Nam, Cục trưởng Cục Chế biến Thương mại Nông lâm thủy sản và Nghề muối (Bộ NN-PTNT), hiện nay, ở ĐBSCL có 3,6 triệu tấn kho chứa lúa gạo, thì trong đó, kho chứa lúa chưa tới 20%, tức là chưa tới 720.000 tấn. Điều này đồng nghĩa với việc nhiều DN tuy đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, về thực chất vẫn chưa đảm bảo được tiêu chí về kho chứa lúa.

Bởi thế, theo ý kiến của nhiều DN cũng như các Bộ ngành, cần phải sửa đổi, điều chỉnh lại Nghị định 109 theo hướng giảm các đầu mối xuất khẩu gạo so với số đơn vị đã được cấp phép như hiện nay. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo các Bộ, ngành liên quan giảm đầu mối xuất khẩu gạo. Ông Nguyễn Thành Biên, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết các Bộ, ngành đang tính tới phương án khống chế không quá 100 đầu mối xuất khẩu gạo.

Theo Bao NNVN